Dự luật cư trú mới được thông qua tại Vương quốc Anh liên quan đến giáo dục đã cho phép sinh viên quốc tế có thể ở lại đến 2 năm để làm việc sau khi kết thúc chương trình học tại đây, và có thể bắt đầu áp dụng ngay từ khóa học 2020/2021 này.

Giữa cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Anh, chính phủ đã tiết lộ sự thay đổi về chính sách nhập cư này như là một phần của dự án nghiên cứu di truyền lớn nhất thế giới đang được đưa ra thảo luận đồng thời – và được thể hiện rõ nhất bằng việc nhấn mạnh sự cần thiết của các chuyên gia trong các ngành khoa học đặc biệt là  khối STEM đối với nước Anh.

“Trong các ngành học sau đại học thuộc khối STEM tại Anh, sinh viên quốc tế luôn luôn chiếm một nửa. Do đó theo quy trình nhập cư mới này, các sinh viên quốc tế tốt nghiệp trong bất kỳ ngành nào bao gồm cả khối STEM sẽ có thể ở lại Anh để tìm việc làm trong vòng 2 năm” - bản thông báo nêu rõ.

Giám đốc UUKi Vivienne Stern, vừa trở về từ cuộc đàm phán thương mại với Ấn Độ, đã hoan nghênh sự thay đổi này. Cô bày tỏ với The PIE News, “Điều này sẽ đưa Vương quốc Anh trở lại vị thế trước đây của nó – điểm đến được lựa chọn đầu tiên đối với sinh viên quốc tế. Số lượng sinh viên quốc tế đến Anh đã giảm trong vài năm liên tiếp gần đây, đặc biệt là các sinh viên đến từ Nam Á”.

Dự luật này vốn đã được vận động hành lang rất mạnh mẽ đặc biệt là trong các năm gần đây kể từ khi nó bị hủy bỏ vào năm 2012.

Số lượng sinh viên Ấn Độ đến Anh đã giảm rất mạnh do các quy định trước đây về việc hạn chế số sinh viên được ở lại làm việc sau khi học xong, đối nghịch với với sự tăng trưởng mạnh mẽ của số lượng sinh viên Ấn Độ đến Canada.

“Tại Ấn Độ tuần vừa rồi, sự thay đổi này đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của cánh báo chí và sinh viên, do đó tôi cảm thấy rất tự tin về việc nó có thể thu hút thêm được sinh viên đến Vương quốc Anh trong tương lai”, dẫn lời bà Stern.

“Đây là một thông tin rất tích cực”, ông Alastair Jarvis, giám đốc điều hành của UUK, phát biểu.

“Đã có bằng chứng cho thấy rằng các sinh viên quốc tế đã mang đến những kết quả xã hội tích cực đáng kể cho Vương quốc Anh song song với việc đóng góp 26 tỷ bảng mỗi năm vào nền kinh tế địa phương, nhưng tình trạng thiếu cơ hội việc làm trong quá lâu đã trở thành một điểm hạn chế trong việc thu hút các sinh viên đó đến Anh”.

Theo một thông báo của chính phủ, thị thực PSW (post-study work) mới này sẽ được cấp cho các sinh viên đã hoàn thành các bậc học đại học hoặc cao hơn tại các cơ sở giáo dục đại học ở Anh, nơi mà hồ sơ di trú của sinh viên sẽ được lưu lại. Loại thị thực mới này sẽ không bị giới hạn số lượng được cấp mỗi năm.

Dự luật nhập cư mới này sẽ cho phép sinh viên ở lại làm việc tại bất kỳ vị trí công việc nào và có thể chuyển sang các công việc yêu cầu kỹ năng cao nếu họ cảm thấy phù hợp với yêu cầu của bản thân.

Khi được hỏi khóa sinh viên nào sẽ là những người đầu tiên được hưởng lợi từ dự luật mới này, người phát ngôn Bộ Nội Vụ tiết lộ với The PIE: “Lộ trình sẽ được thực hiện song song với các khóa học tới đây. Các trường đại học có thể được tuyển sinh dựa trên quy định này bắt đầu ngay từ năm học 2020/2021. Chính phủ đang tích cực làm việc để đảm bảo dự luật mới này được hoàn thiện sớm nhất có thể”.

Ngành giáo dục Anh đã nhiệt liệt hoan nghênh dự luật mới này. “Cuối cùng thì Godot đã đến”, ông Nick Hillman, giám đốc HEPI, nói với The PIE.

“Tất cả các điều đó chứng minh chúng ta cần một chế độ đãi ngộ tốt hơn. Chúng ta đã bị tụt hậu rất nhiều so với các nước khác chỉ bởi vì chúng ta đã không thu hút được các sinh viên giỏi ở lại. Nền kinh tế, giáo dục và cả các sinh viên sẽ đều được hưởng lợi từ những chính sách hấp dẫn và hợp lý hơn này”.

Dự luật mới này cũng báo hiệu một sự tích cực đối với ngành dạy tiếng Anh (ELT) tại Anh, English UK nhận xét, nhấn mạnh vai trò của ngành này như một kênh cung cấp sinh viên đầu vào cho các cơ sở giáo dục đại học và hy vọng sự thay đổi này sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của nước Anh trên quy mô toàn cầu.

“Thay đổi này sẽ làm nước Anh trở thành một nơi cực kỳ hấp dẫn để theo học”, Annie Wright, giám đốc marketing của English UK, phát biểu với The PIE.

“Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều sinh viên và gia đình của họ chọn ngành ELT tại Anh để bắt đầu hành trình học hoặc chuẩn bị cho việc học đại học của họ, với suy nghĩ rằng họ có thể có thêm 2 năm kinh nghiệm quý giá tại Anh và vận dụng các kinh nghiệm đó vào công việc của họ”.

“Chúng tôi cũng hy vọng đây chỉ là khởi đầu của việc biến nước Anh trở thành điểm đến hấp dẫn với sinh viên quốc tế thông qua các thay đổi trong hệ thống thị thực và các thông tin tích cực từ chính phủ, làm cho ngành ELT tại Anh có thể cạnh tranh hiệu quả với các nước khác”.

Sự thay đổi trong chính sách nhập cư này đã phải trải qua một thời gian rất dài để thành hiện thực, như Stern đã nói, với việc các bên liên quan tích cực tham gia vận động hành lang trong vài năm vừa qua.

“Chúng tôi nghĩ rằng đã giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận về chính sách nhập cư này trước đây, nhưng chúng tôi cần sự đảm bảo rằng các bộ trưởng tiếp theo sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ đối với các thay đổi này trong chính phủ”, Stern giải thích.

Stern nói rằng sự thành công này có sự đóng góp rất lớn của Bộ trưởng các trường đại học sắp mãn nhiệm Jo Johnson (người vừa từ chức tuần trước), nhưng cũng không quên đến các đóng góp của những người tiền nhiệm trước đây như Chris Skidmore, Paul Blomfield, Lord Hannay và Lord Karan Bilimoria, những người “đã vận động chính phủ trong nhiều năm để làm cho nước Anh trở thành một nơi thân thiện hơn đối với sinh viên quốc tế thay vì một nơi ác cảm đối với họ”.

Hillman cũng đồng ý cho rằng, “Tôi sẽ không bao giờ quên rằng chính sách đó là một thành quả rất đáng ghi nhận của Jo Johnson, với những sự cố gắng tuyệt vời và không ngừng nghỉ mà anh ý đã bỏ ra cả khi còn đương chức và khi đã nghỉ hưu”.

Để được hỗ trợ về hồ sơ ứng tuyển, các ứng viên vui lòng liên hệ đến Trung tâm Tư vấn giáo dục quốc tế (CIEC), Cục Hợp tác quốc tế qua email: info@ciec.vn hoặc hotline: 024.6689.3555.