Cải cách giáo dục ở Nhật Bản là bước đi tất yếu để đáp ứng công cuộc phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng suất lao động, thể hiện qua việc tiếp nhận hệ thống giáo dục của Mỹ, có chủ thuyết rõ ràng từ chính phủ.

giao%20vien.jpg

Nhật Bản đã thực hiện chiến lược đào tạo giáo viên tương ứng, bắt kịp toàn cầu hóa không lâu sau chiến tranh. Dưới đây là những chia sẻ của cô Dương Thanh Mai (Trung tâm Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh) về các hình thức đào tạo giáo viên tại Nhật Bản. Những điều này có thể phần nào lý giải sự phát triển của giáo dục Nhật Bản hiện nay.

Đào tạo qua trợ giảng kiểu “chìa khóa trao tay”

Khi quân đồng minh chiếm đóng Nhật Bản, nền giáo dục Nhật Bản được định hình theo kiểu Mỹ. Giáo viên Nhật Bản được trợ giảng cho giáo viên Mỹ trong các tiết học về đức dục, rao giảng giá trị tự do, xã hội dân chủ và phẩm giá con người của Mỹ, xóa bỏ vĩnh viễn tư tưởng thần thánh hóa Thiên hoàng.

Sau đó, do Mỹ nhiệt thành giúp đỡ cải cách kinh tế toàn diện cho Nhật Bản, bán rẻ rất nhiều phát minh sáng chế cho Nhật Bản, giáo viên Nhật Bản trợ giảng cho các giáo sư nước ngoài để truyền bá công dụng của phát minh và vận hành các máy móc. Thông qua đó chất lượng của giáo viên Nhật Bản tăng lên.

Qua nhiều đợt cải cách sau thập niên 1970, khi Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển thần kỳ, việc trợ giảng ở các công xưởng, ở các trường đại học và Viện nghiên cứu vẫn tiếp tục. Nó được xem là hình thức đào tạo giáo viên hiệu quả, kiểu “chìa khóa trao tay”, cung cấp nguồn lực giáo viên chất lượng.

Giáo viên được đào tạo ngay tại công xưởng

Đào tạo tại chỗ là đặc trưng trong việc đào tạo giáo viên nghề và giáo viên cao đẳng thực hành tại Nhật Bản. Điểm đặc biệt của hình thức này là đào tạo ngay tại công xưởng chiếm thời gian lớn.

Các giáo viên hệ cao đẳng nghề được trải nghiệm nhiều ở các công xưởng, tận hưởng lợi thế này.

Tại đây, họ lập tức tự lập thành từng nhóm nhỏ vài người, là đặc trưng của văn hóa Nhật Bản khi làm việc tại công xưởng, hoạt động theo từng nhóm, cùng thảo luận về các vấn đề máy móc, thực hành và kinh nghiệm giảng dạy.

Hiệu suất cá nhân khi làm việc nhóm cũng gia tăng, các sáng tạo nhỏ được phổ biến, cũng như những thắc mắc của các giáo viên trong nhóm được nhóm và quản đốc giải đáp kịp thời.

Hiếm khi thấy có phê bình gay gắt phương pháp giảng dạy của giáo viên bởi những giáo viên khác không cùng chuyên môn, vì các thành viên nhóm đó đều kịp thời chia sẻ cho nhau về tư liệu, phương pháp và các sáng tạo nhỏ, kể cả khi có những phút giây giải lao.

Đó là một trong những biểu hiện của phương pháp Kaizen, phương pháp đã quy tụ được những phẩm chất và văn hóa của người Nhật để tạo ra sự sáng tạo và làm việc với hiệu quả cao nhất.

Sức ép từ đào tạo lại

Nhật Bản thực hiện một chương trình chuẩn với nhiều bộ sách giáo khoa ở nhiều địa phương, cải cách nhiều lần từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Để tạo ra nguồn nhân lực có trình độ, phẩm chất và đáp ứng tốt quá trình phát triển kinh tế thần kỳ của Nhật Bản những năm thập niên 1970 mà vẫn đáp ứng sự đa dạng, khác biệt của các bộ sách giáo khoa, các bộ sách giáo khoa lại được thay đổi sau chu kỳ 10 năm; vấn đề “đào tạo lại” giáo viên được đặt ra hàng năm ở tất cả các địa phương.

Theo đó, giáo viên được yêu cầu “có khả năng hiểu sự khác biệt của các nền văn hóa khác nhau, cụ thể là văn hóa Mỹ”, học tốt tiếng Anh, am hiểu nhiều phương pháp dạy học mới, thích ứng với sự năng động của nền kinh tế, và có thể dạy nhiều bộ sách giáo khoa.

Đào tạo lại còn đặc biệt cần thiết cho các giảng viên nghề. Tại công xưởng, máy móc thường xuyên được du nhập từ châu Âu và Mỹ, nâng cấp, cải tiến, hiện đại hóa. Các dây chuyền sản xuất cũng ngày càng tiến bộ thông qua các đợt kiểm tra chất lượng QC.

Giáo viên nghề do vậy cũng luôn phải được đào tạo lại để nắm bắt quá trình vận hành của máy móc và quá trình sản xuất. Hơn thế, họ còn phải tìm tòi để có thể bắt chước quy trình sản xuất chính các loại máy móc đó, và sáng tạo, góp phần làm ra những chiếc máy “made in Japan”.

Giáo viên được học từ các giáo sư hàng đầu của Mỹ

Tu nghiệp nước ngoài và mời giáo sư nước ngoài về đào tạo: Nhật Bản đã mời các giáo viên Mỹ, các giáo sư hàng đầu của các nước châu Âu và Mỹ về Nhật để dạy lại cho giáo viên của họ những kỹ năng giảng dạy tiếng Anh, kỹ năng nghiên cứu quốc tế. Lương của các giáo viên nước ngoài rất cao.

Nhật Bản và Mỹ đã quy tụ được các giáo sư hàng đầu của Mỹ sang Nhật để đào tạo ra lượng giáo viên hùng hậu ở cả các ngành: môi trường, công nghệ nano, năng lượng hạt nhân, không gian vũ trụ, robot hóa, cơ khí (đóng tàu, mẫu hạm, ô tô, máy bay, vi tính....), công nghệ gien. Mặt khác, nước này cũng gửi giáo viên ra nước ngoài đào tạo.

Nguồn: GDTĐ