Mặc dù nằm ở trung tâm châu Á, Việt Nam cũng vẫn có khả năng bị bỏ rơi trong quá trình hội nhập và phát triển về giáo dục Đại học.

Một bản báo cáo của Pricewaterhouse Coopers (PwC) đã dự đoán rằng, vào năm 2050, thế giới sẽ chứng kiến một sự đổi thay lớn của tiềm lực kinh tế toàn cầu – từ các nền kinh tế phát triển chuyển dịch sang châu Á và các nền kinh tế mới nổi.

Bản báo cáo của PwC được đưa ra vào tháng 2/2015, thì sau đó một tháng, Viên Giáo dục Mỹ IIE đã xuất bản cuốn sách: Châu Á – siêu cường giáo dục Đại học tiếp theo? Trong đó đưa ra những luận điểm về việc chuyển dịch của nền giáo dục Đại học thế giới sang Châu Á. Cuốn sách chỉ ra rằng: chính sự chưa tương thích giữa sự phát triển kinh tế của Châu Á đã dẫn đến sự thay đổi của xã hội, việc ra đời ngày một nhiều tầng lớp trung lưu và sự mở cửa ra thế giới bên ngoài ,cũng như đi theo xu hướng thị trường của các nền kinh tế.

“Sự năng động này đã phản ánh rõ trong sự thay đổi của giáo dục Đại học, đặc biệt trong thời đại khi sự phát triển kinh tế tại nhiều nước trong khu vực châu Á đã gắn bó chặt chẽ với các sản phẩm trí tuệ, kỹ năng tiên tiến, và sự gia tăng nhu cầu giáo dục Đại học” – ông Rajika Bhanradi – Phó chủ tịch IIE phụ trách nghiên cứu đã nhận định như vậy. Vào năm 2020, chỉ riêng Trung Quốc cũng sẽ chiếm 30% số lượng sinh viên tốt nghiệp Đại học có độ tuổi từ 25 - 34.

giao%20duc.jpg

Mặc dù nằm ở trung tâm châu Á, Việt Nam cũng vẫn có khả năng bị bỏ rơi

trong quá trình hội nhập và phát triển về giáo dục Đại học.

Tại Ấn Độ - nước có nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới dự báo sẽ cung cấp thêm 300 triệu người cho nguồn nhân lực thế giới trong hai thập kỷ tới – bằng tổng dân số của nước Mỹ!

Ngay trong chương mở đầu cuốn sách, hai giáo sư của trường Đại học Quốc gia Singapore đã viết thẳng thế này:

“Thế kỷ 21 là thế kỷ của Châu Á. Điều này không thể thay đổi và đảo ngược. Một sự đầu tư lớn và vững chắc vào giáo dục đã bắt đầu để đồng hành cùng sự phát triển kinh tế giúp sự hình thành thế kỷ Châu Á này.” Rõ ràng là các quốc gia trong khu vực đã có những chính sách và bước tiến nhằm cái cách và thúc đẩy giáo dục Đại học.

Trong đó có sự thay đổi về cách suy nghĩ trong việc lựa chọn trường – những trường hàng đầu ở Châu Á đã dần có vị trí trong sự lựa chọn của sinh viên tại khu vực này. – theo đánh giá của tạp chí University world news.

Alessia Lefebure – prof. của trường Đại học Columbia đã nhận định: “Sinh viên giờ đây không còn bị suy nghĩ sùng bái phương tây ngự trị nữa, và giáo dục Đại học cũng không nhất thiết phải bị cai trị và điều khiển bởi  các trường danh giá của phương Tây”.

Một loạt các nước Châu Á đang cố gắng chuyển mình để biến đất nước họ trở thành trung tâm của khu vực là một minh chứng  cho việc này.

Sự thật hiển nhiên là các hệ thống giáo dục Đại học tại các khu vực trong châu lục đã ngày càng đi gần với nền giáo dục có tên tuổi và lâu đời hơn của phương Tây, và tầm ảnh hưởng của chúng trong khu vực và quốc tế ngày càng tăng.

Đồng hành với chúng là những đầu tư lớn dành cho giáo dục, hội nhập khu vực, nhu cầu các nước được tiếp nhận sinh viên quốc tế, thông qua các chính sách học bổng và chương trình hợp tác song phương trong khu vực và toàn châu Á.

Chẳng hạn Trung Quốc, đã có những chương trình khuyến khích cấp học bổng cho sinh viên các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam… sang Trung Quốc học tập.

Hiện Trung Quốc cũng đang đứng hàng đầu trong danh sách lựa chọn của học sinh Việt Nam khi đi du học – khoảng hơn 5000 người/năm. Số lượng sinh viên Indonesia tại Trung Quốc cũng đang có khoảng 14.000 sinh viên, tăng 10% mỗi năm kể từ 2010.

Hàn Quốc trước đây là một trong những nước đứng đầu trong việc gửi sinh viên đi du học thì nay cũng đã giảm dần trong 3 năm trở lại đây.

Phần vì hệ thống các trường Đại học trong nước đang cải cách và phát triển vượt bậc so với trước đây với các phòng thí nghiệm hiện đại được hỗ trợ bởi các tập đoàn sản xuất lớn, phần vì Hàn Quốc đã có những chính sách khuyến khích các giảng viên, giảng viên giỏi đang giảng dạy tại Mỹ và các nước phương Tây trở về giảng dạy tại quê nhà…

Phần nữa vì một nguồn lớn sinh viên đang chuyển dịch sang các nước xung quanh như Trung Quốc, Nhật Bản.. số lượng sinh viên Hàn Quốc đang học tập tại Trung Quốc đã tăng 200% lên 62,855 vào năm 2012 so với năm 2003, so với tỷ lệ tăng 50% số du học sinh sang Mỹ - 73,351 trong cùng thời kỳ.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã đưa ra chương trình nhằm giúp các trường Đại học trong trong nước đưa sinh viên Nhật bản tham gia chương trinh trao đổi sinh viên và thực tập sinh sang các nước xung quanh và lựa chọn 30 trường Đại học hàng đầu (mới chọn được 13 trường) vào nhóm G30 để tiếp nhận sinh viên quốc tế (dự kiến 320.000 sinh viên quốc tế trong 5 năm).

Sự tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc và thị trường công việc hấp dẫn, đầy cạnh tranh của Hàn Quốc, Trung Quốc... và cuối cùng là giá cả hợp lý của nền giáo dục khu vực Châu Á đã góp tạo ra xu hướng dịch chuyển này.

Việt nam nằm giữa hai khu vực năng động và quan trọng của Kinh tế thế giới: Khu Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Chúng ta sẽ trở thành nguồn cung cấp sinh viên du học hay thu hút sinh viên tới du học sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách mở cửa của các trường Đại học trong nước.

Phụ thuộc vào trình độ sử dụng tiếng Anh và các ngoại ngữ khác trong khu vực ở mức độ nào? Các chương trình, bằng cấp được liên thông, công nhận giữa các trường trong khu vực và thế giới.

Nếu chúng ta không chuyển nhanh thì sẽ không hội nhập được vào dòng thác chuyển dịch của giáo dục toàn cầu và như vậy mặc dù nằm ở trung tâm châu Á, Việt Nam cũng vẫn có khả năng bị bỏ rơi trong quá trình hội nhập và phát triển.

 

Nguồn: GDTĐ