Nơi con sông Catatumbo gặp hồ Maracaibo ở Venezuela là địa điểm độc nhất vô nhị trên thế giới có số ngày mưa bão lên tới 260 ngày mỗi năm, và tỉ lệ sét đánh đạt mức kỷ lục với 28 tia lửa điện phóng xuống mỗi phút.

set.jpg


Hiện tượng khí quyển độc đáo làm khởi phát tới 1,2 triệu tia sét đánh xuống hồ Maracaibo mỗi năm và chúng rõ thấy từ cách đó tới 400km.
 
Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm lý giải về sự xuất hiện liên tiếp của các cơn bão, kể cả ý kiến cho rằng, các cơn gió thổi mạnh quét qua mặt hồ hình thành những đám mây khi chúng vấp phải dãy núi Andes. Các giả thuyết khác lại quy nó cho các đầm lầy đang phát tỏa khí mê-tan.
 
Địa hình của khu vực cũng tương đối khác thường. Lưu vực hồ Maracaibo bị bao quanh bởi các ngọn núi, có tác dụng bắt nhốt những cơn gió mậu dịch ấm áp thổi từ khu vực Caribbe.
 
Những cơn gió mậu dịch này va chạm với không khí mát lạnh tràn xuống từ dãy núi Andes. Các nhà khoa học tin, việc đó buộc chúng dịch chuyển lên trên cho tới khi cô đặc lại thành các đám mây dông, tạo ra 28 tia sét đánh mỗi phút trên khắp một vùng diện tích rộng lớn. Sự bùng phát năng lượng lớn tới mức có thể đủ chiếu sáng mọi bóng đèn ở khu vực Mỹ Latinh.
 
"Rất nhiều điểm nóng về sét đánh có chung các đặc điểm về địa hình - độ dốc của các dãy núi, các đường bờ biển uốn cong và sự kết hợp của những yếu tố đó. Sở hữu những điều bất thường giống như vậy về địa hình có thể giúp sản sinh ra những dạng thức gió và dạng thức đốt nóng hoặc làm mát, làm tăng khả năng hình thành các cơn bão sấm sét", tiến sĩ Daniel Cecil thuộc nhóm nghiên cứu sét của Trung tâm Thủy văn và khí hậu toàn cầu, nói.
 
Các cơn bão đã trở thành biểu tượng tự hào đối với người dân Venezuela và từng được nhắc đến trong sử thi "La Dragontea" của nhà thơ Lope de Vega. Ở bang Zulia bao quanh hồ Maracaibo, bão còn đóng vai trò như một ngọn hải đăng tự nhiên đối với các ngư dân địa phương, giúp họ có thể định hướng trong đêm mà không gặp phải bất kỳ vấn đề gì.
 
Sử sách Venezuela cũng ghi nhận, sét đánh đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của nước này, giúp họ đánh bại ít nhất 2 cuộc xâm lược vào ban đêm của ngoại bang. Sự cố đầu tiên xảy ra vào năm 1595, khi sét đánh rọi chiếu các chiến thuyền do Sir Francis Drake của nước Anh chỉ huy, làm lộ cuộc tấn công bất ngờ nhắm vào binh lính Tây Ban Nha ở Maracaibo. Sự cố thứ 2 xảy ra trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Venezuela năm 1823, khi sét đánh làm lộ tẩy một hạm đội chiến thuyền của Tây Ban Nha đang âm thầm tiến đánh.
 
Sét đánh Catatumbo đã được đưa vào sách Kỷ lục Guiness thế giới năm nay, soán ngôi "nơi có nhiều tia sét đánh nhất thế giới" với 250 tia sét đánh trên mỗi km2 mỗi năm, từ thị trấn Kifuka của Congo.
 
Một số nhà khoa học coi hiện tượng bão sét không ngừng là yếu tố đơn lẻ lớn nhất tạo ra ozone ở tầng đối lưu phía trên Trái đất.
 
Trong một vài dịp cá biệt, hiện tượng bão sấm sét đã ngưng trong vài tuần ở Venzuela, với lần gần đây nhất vào năm 2010. Các cư dân địa phương lo lắng, đó có thể là hậu quả của sự khô hạn cực điểm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt điện ở quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào thủy điện.
 
Nguồn: Vietnamnet