Theo xu hướng toàn cầu hóa, để giảm bớt khó khăn về giờ học bắt buộc sử dụng ngôn ngữ Nhật, các trường Đại học và khoa Sau đại học của Nhật Bản đã triển khai các “Chương trình cấp bằng chỉ học bằng tiếng Anh”. Tuy nhiên, chương trình học bằng tiếng Anh hiện chưa có tại các trường Kỹ thuật chuyên nghiệp và trường dạy nghề.

           Tương tự như với các chương trình học bằng tiếng Nhật, ứng viên sẽ cần nộp hồ sơ  khoảng 5-6 tháng trước khi nhập học. Cụ thể, những bạn đăng ký học kỳ mùa thu nhập học vào tháng 9 sẽ phải nộp hồ sơ vào tháng 3-4 cùng năm, và nếu nhập học vào kỳ mùa xuân bắt đầu từ tháng 3, các bạn sẽ phải nộp hồ sơ từ tháng 9-10 của năm trước đó. Thông thường, để nộp hồ sơ vào các chương trình này, ứng viên cần nộp các giấy tờ sau:

- Đơn đăng ký chương trình học;

- Bài luận chung theo yêu cầu tuyển sinh của Trường;

- Bài luận xin học bổng (trường sẽ yêu cầu ứng viên viết bài luận này nếu ứng viên đăng ký vào các chương trình học bổng của trường (nếu có));

- Thư tiến cử/giới thiệu của cá nhân đang làm việc tại cơ sở giáo dục và đào tạo mà ứng viên theo học trước đây hoặc lãnh đạo đơn vị nơi ứng viên đã từng làm việc;

- Chứng chỉ năng lực tiếng Anh còn hạn (IELTS, TOEFL,v.v..tùy điều kiện của Trường):

+ Bậc Đại học: IELTS 5.5 – 6.0/ TOEFL iBT 71-80 hoặc tương đương;
+ Bậc Sau Đại học: IELTS 6.0/ TOEFL iBT 75-80 hoặc tương đương;

- Bằng tốt nghiệp của bậc học gần nhất:

+ Bậc Đại học: Bằng tốt nghiệp THPT/giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời (cần nộp bổ sung bằng tốt nghiệp sau khi có);

+ Bậc Sau Đại học: Bằng tốt nghiệp Đại học/Thạc sỹ;

- Bảng điểm bậc học gần nhất:

+ Bậc Đại học: Học bạ THPT, bảng điểm kỳ thi du họ Nhật Bản (EJU), điểm SAT);
+ Bậc Sau Đại học: Bảng điểm Đại học/Thạc sỹ, điểm GMAT (áp dụng với khối ngành Kinh tế), điểm GRE;

- Hồ sơ bảo lãnh tài chính:

+ Hợp đồng lao động/ giấy phép kinh doanh/quyết định bổ nhiệm của người bảo lãnh;
+ Xác nhận thu nhập tối thiểu 03 năm gần nhất của người bảo lãnh;
+ Sổ tiết kiệm đứng tên người bảo lãnh, có tối thiểu 400 triệu VNĐ trở lên và gửi trong kỳ hạn tối thiểu là 18 tháng;
+ Xác nhận số dư sổ tiết kiệm đứng tên người bảo lãnh;

- Lệ phí xét hồ sơ: dao động từ 5,000 JPY – 30,000 JPY tùy trình độ đăng ký.

               Sau khi hồ sơ được gửi đến Trường, ứng viên sẽ chờ từ 2 – 3 tuần sau hạn nộp chung mà Trường quy định để được thông báo kết quả đánh giá hồ sơ ban đầu và lịch phỏng vấn. Với các bạn ở Việt Nam, Trường sẽ sắp xếp để các bạn phỏng vấn qua Skype hoặc một hệ thống online do Trường chỉ định. Thông thường trước mỗi buổi phỏng vấn, Trường sẽ có một buổi kiểm tra chất lượng âm thanh để đảm bảo kết nối thông suốt với phía ứng viên. Buổi phỏng vấn sẽ diễn ra trong 20-30 phút, nội dung trao đổi sẽ xoay quanh việc giới thiệu bản thân, định hướng học tập, dự định trong tương lai và những đóng góp của cá nhân cho xã hội.


               Kết quả tuyển sinh sẽ được gửi đến ứng viên trong vòng 2 tuần kể từ khi phỏng vấn bằng cả phương thức online (thư điện tử) và văn bản (chuyển phát theo đường bưu điện). Với những Trường có yêu cầu nộp bài luận xin học bổng từ vòng hồ sơ, kết quả học bổng cũng sẽ được thông báo cùng kết quả trúng tuyển. Trường sẽ hướng dẫn ứng viên đóng học phí và phí nhập học đến tài khoản của Trường. Đồng thời, ứng viên cũng cần chuẩn bị các giấy tờ tiếp theo để gửi Trường, phục vụ cho việc xin Giấy xác nhận tư cách lưu trú (Certificate of Eligibility - COE). Sau khi nhận được giấy này, ứng viên chủ động đến xin visa tại Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam và lên đường nhập học.

 

Để được hỗ trợ về hồ sơ ứng tuyển vào các trường Đại học tại Nhật Bản, vui lòng liên hệ đến:

Trung tâm Tư vấn Giáo dục quốc tế - CIEC
Địa chỉ: 21 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Email: info@ciec.vn /hotlines: (+84)024.6689.3555.