Lâu nay, người Pháp vẫn được biết đến về vẻ vụng về, lúng túng, thậm chí kháng cự mỗi khi cần phải nói tiếng Anh. Tuy nhiên, với giới trẻ Pháp, điều này dần không còn đúng nữa.
 
Một báo cáo hồi tháng 11 cho thấy người Pháp kém tiếng Anh nhất trong toàn cộng đồng chung EU. Sự "tuyệt vọng" về tiếng Anh của người dân nước này càng được củng cố sau khi vị Tổng thống Francois Hollande gửi thư cho Tổng thống Mỹ Barack Obama và ký tên "Friendly, Francois Hollande". Từ "Friendly" không có ý nghĩa gì khi ký tên cuối thư, thay vào đó người ta thường viết "Best wishes", 'Sincerely', hay 'Yours faithfully'.
 
Không chỉ học sinh có kết quả tiếng Anh kém, người lớn Pháp dường như cũng quay lưng với thứ ngôn ngữ này. Hồi năm ngoái, thống kê cho thấy nội dung phàn nàn nhiều nhất từ người xem TV hay radio là về vấn đề ngôn ngữ, khi họ không muốn nghe quá nhiều "từ tiếng Anh không cần thiết".
 
Ngoài ra, các du khách nước ngoài cũng có cảm giác rằng nếu họ không học vài câu tiếng Pháp giao tiếp cơ bản, họ sẽ bị lờ đi.
 
Tất cả những điều trên đã tạo thành một lời đồn khổng lồ về việc người Pháp không nói chút tiếng Anh nào. Nhưng với Oliver Gee, một người Australia đang viết tiếng Anh cho tờ The Local của Pháp, những lời đồn đại dần không còn đúng nữa.

nguoi-phap.jpg

Với người trẻ Pháp, học tiếng Anh mở ra nhiều cơ hội kiếm tiền,
hoặc chỉ để tỏ ra lịch sự, thân thiện với khách du lịch nước ngoài.

 
Sau một năm ở Paris, Oliver Gee đã ngạc nhiên về số lần người Pháp cố gắng bắt chuyện với anh bằng tiếng Anh. Dù họ nói không hoàn hảo, anh vẫn cho rằng đó là điều đáng ngưỡng mộ.
 
Hầu hết trong các trường hợp, người bắt chuyện bằng tiếng Anh là người trẻ. Thông qua họ, anh biết rằng thứ ngôn ngữ này đang len lỏi vào giới công sở nhiều hơn bao giờ hết và thanh thiếu niên Pháp đang hào hứng đón nhận trào lưu mới.
 
Những điều này trái ngược hoàn toàn với những gì người ta rêu rao về người Pháp  trước đó.
 
Với Oliver Gee, cách người Pháp cố gắng nói tiếng Anh thể hiện sự lịch thiệp và lòng nhiệt tình chân thật, khác với cảm giác khi anh đến Thụy Điển. Ai cũng biết rằng người Thụy Điển quá giỏi tiếng Anh, nhưng điều này càng gây cảm giác rằng họ đang cổ thể hiện mình.
 
Một giáo viên ở Paris cho biết thế hệ trẻ Pháp đang dần bớt sợ tiếng Anh hơn thế hệ trước. "Những người Pháp trẻ tuổi rất thích học tiếng Anh", anh nói. "Đa số học viên của tôi học hành rất chăm chỉ kể cả khi họ không giỏi chút nào."
 
"Họ biết rằng họ cần phải học tiếng Anh nếu muốn cập nhật nhanh những gì đang xảy ra trên thế giới. Họ không muốn đợi đến khi báo chí tiếng Pháp dịch tin ra như trước nữa", anh nói thêm. Thanh thiếu niên Pháp cũng ngày càng chuộng nghe nhạc bằng tiếng Anh, và khi đó, họ cũng muốn hiểu những thứ mình đang nghe có ý nghĩa gì.
 
Một người trẻ từ Grenoble cho biết anh học tiếng Anh nhờ xem các chương trình TV của Anh và Mỹ. Kết quả là vào những lần đi du lịch nước ngoài sau này, anh ngày càng tự tin vào khả năng nói tiếng Anh, một điều mà bản thân anh cũng chưa từng mơ tới trước đó.
 
Ngoài ra, nhiều người Pháp dần ý thức được rằng nếu nói tiếng Anh, họ sẽ nhận được nhiều cái lợi, nhất là với thực tế đất nước này đón 83,7 triệu khách du lịch nước ngoài mỗi năm. Ví dụ, một người bồi bàn không biết chút tiếng Anh nào có thể bỏ lỡ mất khoản tiền típ, thậm chí có thể mất khách hàng.
 
Mới đây Bộ trưởng Văn hóa Pháp, bà Fleur Pellerin bình luận trên tờ The Local rằng chẳng có ích gì khi cứ cố bảo vệ và giữ gìn tiếng Pháp, vì theo bà bản thân tiếng Pháp sẽ được làm giàu thêm từ các tác động bên ngoài.
 
Do đó, nếu muốn trở nên phong phú, hay tỏ ra lịch sự, hoặc thực dụng hơn là muốn chút tiền tip từ người nước ngoài hay kiếm một công việc, người trẻ Pháp đang dần ý thức rằng họ cần phải xem tiếng Anh là một miếng bánh sừng bò hấp dẫn.
 
Nguồn: Vnexpress