Đi học ở nước ngoài, chẳng sớm thì muộn bạn cũng sẽ có dịp gặp gỡ cụm từ “văn hóa/kiến thức phổ thông”. Vậy thì họ quan niệm thế nào về điều này và tại sao nó lại quan trọng đến thế trong giáo dục nước ngoài?

kien%20thuc%20pho%20thong.jpg

Ảnh minh họa
 

Có dịp nói chuyện với một người bạn vừa sang Anh du học chưa đầy tháng, bạn kể: “Lúc vừa mới hạ cánh xuống sân bay Heathrow, cặp vợ chồng người Anh sát bên mình đã nói: “Đừng lo, trời hôm nay mưa nghĩa là sẽ bớt lạnh đó”. Khi đó, mình đã nghĩ là cha mẹ ơi, học xong Đại học rồi mà mình chẳng biết kiến thức phổ thông đó. Rồi mình còn phải đọc bản đồ, thông tin tàu điện ngầm để biết đường đi đứng. Khi vào thư viện sẽ phải tìm hiểu xem quy tắc mượn và trả sách ở nước ngoài như thế nào, đầu sách mà mình cần sẽ thuộc nhóm lĩnh vực nào” nói chung là những kiến thức nhỏ lẻ thôi nhưng vô cùng thiết thực cho cuộc sống của mình”.
 
Trên thực tế, hiểu biết phổ thông còn giúp bạn có thể sống tự lập và nhất là bảo vệ mình trong những trường hợp thân cô thế cô. Hiểu biết về các nền văn hóa, bạn sẽ dễ dàng kết nối trong một môi trường xa lạ. Tính toán giỏi, bạn tự lo liệu được các khoản chi tiêu. Khi trồng trọt, chăm sóc cây cối bạn sẽ cần đến kiến thức địa chất, thời tiết. Lúc nấu ăn thì lại cần vận dụng kiến thức hóa học. Nước sôi bao nhiêu thì có thể luộc trứng, loại rau nào ăn được và loại nào thì không, mặt trời mọc/lặn ở hướng nào… đều là những điều tưởng như cấp tiểu học cũng biết, nhưng đâu phải ai cũng dám tự tin tôi “thông minh hơn học sinh lớp 5”?
 
Đối với nhiều trường Đại học, kiến thức phổ thông cũng là một tiêu chí đánh giá ứng viên. Chồng của chị bạn mình là kỹ sư trong lĩnh vực pho-mát. Để đậu kỳ thi đầu vào trường lớn của Pháp (Grande école), anh đã phải đọc sách, nghe nhạc, xem phim liên tục để “nhồi” nhét kiến thức phổ thông vào đầu. Bởi vì các bài trắc nghiệm kiến thức phổ thông thường không có giới hạn lĩnh vực nên họ có thể hỏi từ giá tiền một tá trứng trong siêu thị cho đến số thành viên của ban nhạc Evanescence, và điều này nghĩa là bạn có muốn cũng chẳng thể lơ là “bộ môn” văn hóa phổ thông được.
 
Ở nhiều công ty, các câu hỏi dạng này cũng được áp dụng trong khâu tuyển dụng. Thầy giáo dạy Luật của mình luôn nhắc đi nhắc lại sinh viên phải đọc báo mỗi ngày. “Nếu chịu khó đọc tít chính và những dòng “chapeau” tóm tắt nội dung trên các trang báo điện tử mỗi ngày, cuối tháng nhìn lại, phông văn hóa của bọn em sẽ dày dặn lên trông thấy. Và đấy chính là điều sẽ giúp bọn em tạo được sự khác biệt so với những ứng viên khác”.
 
Kiến thức phổ thông không biên giới là như vậy. Đó có thể là một vấn đề khoa học có mặt trong hàng ngàn cuốn sách giáo khoa, có khi chỉ là một mẩu tin về sản phẩm công nghệ mới nhất, một câu chuyện chấn động trong lịch sử chống khủng bố của thế giới, hoặc một vụ bê bối chính trị đang được các báo ưu ái dành cho trang nhất.
 
Một người có nhiều kiến thức phổ thông là một người thú vị, được nhiều người vây quanh. Chỉ riêng việc ăn mặc đẹp, có gout (do học được từ kiến thức thời trang, phom dáng) cũng đủ giúp bạn đẹp, tân thời hơn. Kế đến, bạn cũng có cơ hội thăng tiến trong công việc. Một anh bạn có kinh nghiệm vừa làm vừa học ở Pháp chia sẻ: “Khi đi làm, để đạt được những vị trí tốt thì còn phải có quan hệ tốt với các sếp và những vị khách hàng lớn. Đây là những người già dặn kinh nghiệm nên khi trò chuyện với họ bạn cũng phải có học thức, phải thú vị để thu hút được thiện cảm.” Những chia sẻ này xuất hiện rất nhiều trong phim ảnh, nhưng ngoài đời cũng chẳng khác lắm đâu.
 
Trong lúc tìm thông tin cho bài viết này, mình đã đọc được nội dung sau trong một diễn đàn, mà mình sẽ dùng làm kết bài: “Bạn không thể biết bạn sẽ cần đến điều gì trong tương lai. Nếu đứa con của bạn thích trồng cây thì bạn phải hiểu biết về cách chăm sóc cây cối. Nếu con bạn mơ trở thành diễn viên múa, bạn buộc phải biết về nhạc cổ điển. Rồi bạn cũng sẽ có sự thay đổi trong công việc, vậy thì tại sao lại bó hẹp các cơ hội của mình và những điều mà tương lai có thể sẽ đòi hỏi ở bạn!”
 
Nguồn: Báo mới