Có lẽ cũng không lạ lẫm gì đối với các bạn sinh viên đã, đang và sẽ đi du học khi nhắc đến Personal Statement (PS). Đó là một phần vô cùng quan trọng trong hồ sơ du học, là cơ hội giúp bạn trở nên khác biệt và nổi bật trong hàng ngàn hồ sơ xin học mỗi năm gửi đến các trường đại học. Trong khoảng 4000 kí tự bạn phải thuyết phục được ngôi trường đại học của bạn rằng bạn là ứng cử viên “nặng ký” nhất và họ nên “mời” bạn học ngay lập tức. CIEC sẽ giới thiệu cho các bạn 10 mẹo nhỏ nhưng hữu dụng khi viết Personal Statement dành cho các bạn có mong muốn đi du học.

1. Viết một bản nháp trước và tắt chế độ tự đếm kí tự
Một du học sinh từng chia sẻ: “Khi bắt đầu viết, mình nghĩ sẽ tốt hơn nếu vừa bật chế độ đếm kí tự và vừa viết để không bị vượt quá 4000 kí tự. Nhưng sau khi đã tới 3500 kí tự, mình bắt đầu tá hỏa lên vì mình mới viết được nửa bài. Do đó, mình tắt chế độ đếm kí tự đi và tiếp tục viết. Cuối cùng, mình đã sử dụng tới 7000 kí tự nhưng lại trình bày hết được những ý tưởng mà mình cần, và mình chỉ cần phải xóa đi vài từ và rút gọn lại. Điều đó dễ hơn là phải ép tất cả những ý tưởng của mình vào một bài luận không vượt quá 4000 kí tự. Cuối cùng, Personal statement của mình chỉ có 3999 kí tự.”
2. Dành nhiều thời gian
Một lưu ý cho các bạn đó là đừng hấp tấp. Một bản PS hoàn hảo không thể được hoàn thiện trong một vài giờ đồng hồ, hay thâm chí là vài ngày. CIEC khuyên bạn nên dành ít nhất một tháng để hoàn thiện và nộp cho trường.
3. Sử dụng từ ngữ và cách biểu đạt phù hợp
Sẽ chuyên nghiệp hơn nếu bạn sử dụng “accomplish” thay vì “do”, hay là “presume” thay vì “think”. Có một vài trang web dịch thuật và tìm từ đồng nghĩa mà bạn có thể tận dụng. Ví dụ bạn có thể tìm được vô số những từ đồng nghĩa hay bằng cách sử dụng Google Translate. Nhưng bạn cũng phải cẩn thận khi sử dụng phương pháp này, quá nhiều từ ngữ hoa mĩ có thể làm bản statement của bạn trở nên thái quá và khó đọc.
4. Tập trung vào thế mạnh của mình
Bạn nên viết về những kinh nghiệm, kiến thức và kế hoạch trong tương lai của bạn. Không nên viết là “I wanted to learn Spanish but I gave it up after a week” hay “I am not very good at maths, but I think this is understandable since I hate it so much.”
5. Nghĩ một câu mở đầu thật ấn tượng
Mở đầu bằng 1 câu nói hài hước, thú vị hay bất ngờ sẽ giúp bạn có được ấn tượng tốt. Nhưng đừng tỏ ra hài hước một cách gượng ép. Câu mở đầu hoàn hảo sẽ đến với bạn trong một khoảnh khắc ngẫu nhiên, khi mà bạn đã làm bản PS của mình hàng giờ. Vì thế hãy cứ đợi và đừng nghĩ quá nhiều về nó. 
6. Bản Personal Statement là của bạn, vì thế hãy nói lên ý tưởng của riêng mình
CIEC khuyên bạn không nên đọc bất kì bản PS của ai khác trước khi viết nháp. Điều đó sẽ dẫn bạn tới một ý tưởng sai lệch. Nên nhớ, hãy viết về bạn, chứ không phải ai khác.
7. Luôn trung thực
Đừng viết bạn có thể nói trôi chảy tiếng Tây Ban Nha nếu bạn chỉ có thể nói “anh yêu em” bằng tiếng Tây Ban Nha. Nếu bạn giỏi, thì hãy giỏi theo cách của bạn. Không cần phải tạo cho mình một lớp vỏ bọc, hãy luôn là chính mình.

8. Nhờ ai đó soát lại bài viết của mình
Bố mẹ, thầy cô giáo, bạn bè… - bạn càng cho nhiều người xem thì sẽ nhận được càng nhiều lời nhận xét và bản PS của bạn sẽ càng được cải thiện.
9. Đọc to nhiều lần
Mẹo này có thể sẽ giúp bạn nhận ra rằng không có mối liên kết nào giữa các đoạn văn, điều mà khi viết bạn không nhận ra được. Đọc to bản PS của mình trước mặt người thân, bạn bè sẽ giúp bạn cải thiện được bản PS của mình.
10. Một khi đã nộp cho trường rồi thì đừng đọc lại
Không nên đọc lại bản PS của mình trong vài tháng kể từ khi bạn gửi cho trường. Bạn có thể cảm thấy là nó không hay như bạn từng nghĩ, tuy nhiên điều này là hoàn toàn bình thường.
Nói tóm lại, hãy là chính mình và hãy viết một cách trung thực nhất về trải nghiệm của bạn. Sử dụng giọng văn của riêng mình để thể hiện đó là chính bạn và mong muốn học tại ngôi trường bạn yêu thích, chứ không phải là những ý tưởng có sẵn trong các bài báo “Cách viết một bản Personal Statement”.

Đình Huy (CIEC) - Theo TopUniversities