Mỗi ứng viên MBA đều cố gắng  chuẩn bị một hồ sơ xin học đặc biệt nhằm gây ấn tượng cho ban tuyển sinh. Tuy nhiên, trong giữa hàng nghìn hồ sơ, làm thế nào để hồ sơ của bạn gây chú ý hơn? Nếu bạn có thể thuyết phục ban tuyển sinh rằng bạn có những phẩm chất sau đây, bạn sẽ đặt hồ sơ của mình vào vị trí nổi bật hơn.

1. Trường đại học muốn phát triển những nhà quản lý sẽ đóng góp tích cực cho xã hội

Do vậy ứng viên cần thể hiện khả năng dẫn dắt người khác, ví dụ như thúc đẩy người khác làm việc, điều động nguồn lực để giải quyết một vấn đề, hay mang đến một ý tưởng mới cho công ty và quan trọng nhất là bạn đã làm việc như thế nào để truyền cảm hứng cho người khác và mang đến những điều tốt đẹp nhất cho họ.

2. Bạn không nhất thiết phải có bằng cử nhân kinh tế để học MBA. 

Nhiều chương trình MBA hoan nghênh các ứng viên từ các khoa khoa học nhân văn, nghệ thuật và khoa học xã hội, nhưng bạn cần chứng minh rằng bạn đủ khả năng để theo kịp các khóa học của chương trình. Cố gắng đạt được số điểm GMAT hay GRE đủ theo yêu cầu của trường mà bạn đặt mục tiêu theo học. Số điểm này sẽ giúp bạn thuyết phục ban tuyển sinh rằng sẽ không có trở ngại khi bạn theo học các khóa học chính của trường.

3. Kĩ năng giao tiếp tốt chính là một lợi thế. 

Mặc dù các nguyên tắc chung của kế toán, tài chính rất dễ để học, nhưng các nhà tuyển dụng thường xuyên phàn nàn răng ngay cả sinh viên tốt nghiệp MBA từ các trường ưu tú vẫn cần chú trọng hơn việc phát triển các kỹ năng mềm.

Bạn cần gây ấn tượng với ban tuyển sinh bằng cách chứng minh mình có kỹ năng giao tiếp giỏi, ví dụ như kinh nghiệm làm việc tốt với người khác hay khả năng thuyết trình một cách chuyên nghiệp và đầy tính thuyết phục. Ngoài ra bạn có thể nêu ra kinh nghiệm kỹ năng giao tiếp hiệu quả đã giúp bạn đạt được một khách hàng hay một thỏa thuận chung như thế nào.

4. Lập kế hoạch nghề nghiệp sau khóa MBA

Khi lập hồ sơ xin học, bạn cần thể hiên chắc chắn và rõ ràng về mục tiêu nghề nghiệp trong cả ngắn hạn và dài hạn. Giải thích lý do việc chọn nghề nghiệp đó rất quan trọng, đồng thời bạn cần đưa ra những lý do tính thuyết phục và thực tế.

5. Chọn người viết thư giới thiệu hiểu rõ về bạn và có cái nhìn, ý kiến sâu rộng. 

Thư giới thiệu là phần quan trọng, yêu cầu bắt buộc của hồ sơ xin học, đó cũng là phần đáng lo ngại nhất vì bạn không hoàn toàn kiểm soát được những gì viết về bạn trong đó.

Chọn người viết thư giới thiệu không hiểu rõ hoàn toàn về bạn, không đưa ra những ý kiến đầy đủ và thuyết phục, hay chọn người không ủng hộ kế hoạch học tập của bạn có thể phá hỏng hoàn toàn giấc mơ MBA của bạn.

Nhung Lại (CIEC) – theo USNews